"Ông Kẹ" vốn là một nhân vật trong các truyền thuyết dân gian cổ, thường được người lớn sử dụng để dọa trẻ em, khiến những đứa trẻ phải ngoan ngoãn nghe lời nếu không muốn bị bắt đi. Theo tương truyền, đây là một con quái vật có hình thù không rõ ràng và ở mỗi vùng văn hóa lại có cách miêu tả cũng như cách gọi khác nhau. Nhiều nơi vẫn gọi "Ông Kẹ" bằng những cái tên khác như "Ông Ba Bị" hay "Ngáo Ộp". Tuổi thơ của nhiều đứa trẻ trên khắp thế giới qua nhiều thế hệ đa số đều nghe đến "danh" của Ông Kẹ và luôn sợ hãi khi nhắc tới nhân vật này.
Sự tích "Ông Kẹ" đã truyền cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại kinh dị ra đời. Từ "El Coco" của Tây Ban Nha, "Slender Man" của Mỹ cho tới "Namahage" của Nhật Bản, Ông Kẹ vẫn cứ đáng sợ như một người bạn cũ hay bắt nạt mà ta không bao giờ muốn gặp lại. Phiên bản "Achoura" của điện ảnh Pháp kết hợp với Morocco hé lộ nhiều điều về nguồn gốc tạo nên Ông Kẹ, bộ dạng ghê rợn và các cách để đối phó với nhân vật đáng sợ này.
Một người bạn mất tích bỗng trở lại và hàng loạt vụ án bí ẩn
Nhóm bạn bốn người gồm Ali, Nadia, Stephane và Samir chơi thân với nhau từ nhỏ. Bốn đứa trẻ thường hay vui đùa trên những đồng cỏ rộng lớn. Tới một ngày, vào lễ hội thiếu nhi Achoura, tất cả vô tình lạc vào một ngôi nhà hoang có tên gọi "Ngôi nhà Pháp" và đánh thức một linh hồn quỷ dữ tưởng như đang say ngủ trong bóng tối. Từ sau đêm tối định mệnh ấy, Samir mất tích một cách bí ẩn khi bị một người đàn ông lạ mặt đem đi. 25 năm sau, khi tất cả đã trưởng thành, Samir đột ngột trở về, kéo theo những vụ án trẻ em mất tích mà không có manh mối truy tìm…
"Ông Kẹ" trong truyền thuyết cổ của người Morocco là Buatate. Hắn thức dậy từ giấc ngủ, cảm thấy một cơn đói dữ dội. Hắn muốn ăn niềm vui của chúng – những đứa trẻ ngon ngọt. Ông Kẹ trong bộ phim này có tạo hình ghê rợn, đúng như những gì mà ngày xưa người lớn vẫn kể để dọa trẻ con và khiến chúng gặp ác mộng vào buổi đêm. Đạo diễn trẻ Talal Selhami đã rất khéo léo khi tạo nên một hình tượng đáng sợ nhưng cũng vô cùng thân quen, để khiến khán giả cảm thấy việc gặp lại một người bạn cũ đôi khi lại đánh thức lại bao nhiêu nỗi sợ hãi tưởng như đã ngủ quên nhưng bất ngờ hiện hữu trở lại.
Cách kể chuyện độc đáo
"Achoura" có một ngôn ngữ điện ảnh đặc biệt khi không tuân theo trật tự tuyến tính thời gian. Phim xoay quanh việc Ali tìm ra Samir lúc trưởng thành và đưa cậu về hội ngộ với những người bạn năm xưa. Từ đó, các tình tiết giữa thực tại xen lẫn với quá khứ dần lật mở bí ẩn tại sao Samir lại bị mất tích vào thời gian 25 năm về trước. Lối kể này khiến bộ phim trở nên kịch tính, gây tò mò và tạo cảm giác nghẹt thở hơn bởi các tình tiết giữa hai mốc thời gian diễn ra song song và liên tục có bất ngờ.
Sự ám ảnh từ những gì gần gũi nhất
Phim hù dọa khán giả bằng những chi tiết gần gũi với đời thực và đánh vào cảm giác, ví dụ như những đứa trẻ luôn sợ có quái vật ở dưới gầm giường hay đang trốn trong tủ. Người lớn thì luôn bị giật mình và hoảng loạn khi có tiếng đập cửa vào buổi đêm. Yếu tố kinh dị căng thẳng của phim cũng có đôi lúc được giãn ra bởi yếu tố tình yêu, tình bạn nhưng khi người xem đang hơi xao nhãng một chút thì ngay lập tức, một chi tiết rùng rợn lại làm không khí phim hồi hộp trở lại.
Ra mắt tại Việt Nam đúng vào thời điểm nắng nóng của mùa hè, "Ông Kẹ" lại là một tác phẩm có thể khiến khán giả yếu bóng vía phải "lạnh người" khi theo dõi. Tác phẩm này từng gây ấn tượng với báo giới châu Âu bởi cách khai thác khá mới mẻ về một truyền thuyết dân gian quen thuộc. Với những ai từng biết đến "Ông Kẹ", đây là bộ phim không thể bỏ qua và là một dịp thử thách để xem chúng ta đã thực sự vượt qua nỗi sợ hãi thời thơ ấu hay chưa, bởi vì "có những sinh vật chỉ nên giữ lại trong bóng tối" và có những ký ức dường như chỉ đang say ngủ chứ vẫn chưa biến mất.
"Achoura" (Ông Kẹ) đang khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Admin
Link nội dung: https://tromino.eu/ong-ke-noi-so-kinh-hoang-cua-tuoi-tho-tai-xuat-day-am-anh-1736217607-a3775.html