Phát hiện và phòng tránh các biến chứng sau bó bột

Cố định bằng bột (bột nhựa, bột thuỷ tinh, bột thạch cao) sau gãy xương có thể giúp người bệnh giảm đau, giảm sưng nề, giúp liền xương, hạn chế các biến chứng tổn thương mạch máu, thần kinh. Tuỳ theo từng vị trí gãy xương, thời gian liền xương, độ tuổi mà có thể sử dụng các loại bột khác nhau và thời gian mang bột khác nhau.

Cố định bằng bột (bột nhựa, bột thuỷ tinh, bột thạch cao) sau gãy xương có thể giúp người bệnh giảm đau, giảm sưng nề, giúp liền xương, hạn chế các biến chứng tổn thương mạch máu, thần kinh. Tuỳ theo từng vị trí gãy xương, thời gian liền xương, độ tuổi mà có thể sử dụng các loại bột khác nhau và thời gian mang bột khác nhau.

Tuy nhiên sau bó bột, người bệnh thường được chăm sóc và theo dõi tại nhà, vì vậy người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ để vừa phát huy hiệu quả, vừa tránh các biến chứng, đồng thời hạn chế các di chứng do bó bột gây ra. Sau đây là một số điều cần biết sau bó bột:

Chèn ép bột

Trong 24 – 72 giờ đầu, do chi thể có hiện tượng sưng nề tăng lên làm cho bột có xu  hướng chặt lại. Nếu không nới bột kịp thời có thể dẫn đến tình trạng chèn ép bột dẫn đến thiếu máu nuôi chi, gây hoại tử chi hoặc mất chức năng chi. Do đó, bạn cần khám lại ngay, kể cả trong đêm nếu có dấu hiệu bất thường như:

+ Đau tức nhiều phần chi được bó bột, cảm giác bột ngày càng bó chặt như garo chi.

+ Đau bỏng rát như kim châm ở đầu chi

+ Đầu chi tím, lạnh, sưng nề tăng dần.

+ Mất vận động, cảm giác đầu chi

Khi có các dấu hiệu trên, ngay tại nhà cần nới rộng bột và đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Để giảm sưng nề chi sau bó bột, người bệnh có thể kê cao chi khi nằm, hoặc treo cao tay khi di chuyển, dùng các thuốc giảm sưng nề do bác sĩ kê.

Viêm loét da

Viêm loét tại các điểm tỳ đè của bột tại các vị trí da sát xương (đầu dưới xương quay, mỏm khuỷu, các mắt cá chân…). Người bệnh có biểu hiện là đau tại các vị trí bị tỳ đè, có dịch thấm qua bột, mùi hôi, hoặc có thể sốt.  Khi có các dấu hiệu trên cần đến cơ sở y tế để xử lý.

Lỏng bột

Người bệnh cảm thẩy bột di chuyển, lỏng lẻo khi cử động. Do đó cần phải được thay bột để tránh di lệch thứ phát. 

Chăm sóc bột:

+ Giữ cho bột khô ráo: Khi bột dính nước sẽ bị hư và gây hôi, nên sau bó cần được giữ gìn bột khô, bọc nilon khi đi vệ sinh, tắm rửa.

+ Đi lại trên bột: Trong trường hợp bó bột chi dưới, được phép đi lại trên bột, bạn không nên đi lại ngay mà nên chờ ít nhất 1 giờ đối với bột thuỷ tinh và 30 – 48 giờ đối với bột thạch cao, nếu đi lại sớm khi bột chưa cứng chắc, sẽ làm gãy bột.

+ Ngứa: Khi bó bột, đặc biệt là vào mùa hè nóng bức, ra nhiều mồ hôi, không dùng các vật dụng như que, vật sắc luồn dưới bột để gãi vì có thể gây tổn thương da, dẫn đến viêm nhiễm da trong bột.

+ Cắt ngắn bột: Người bệnh không được tự ý cắt ngắn bột khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Do yêu cầu bột bó phải đủ độ dài để cố định các khớp, việc cắt ngắn bột có thể gây các di lệch thứ phát.

+ Tháo bột: Tháo bột cần có dụng cụ chuyên khoa, do nhân viên y tế thực hiện. Người bệnh không được tự ý tháo bột, nếu tự ý tháo bột có thể gây tổn thương da hoặc không đạt hiệu quả điều trị do chưa đủ thời gian cố định.

+ Tập luyện: Trong thời gian bó bột, các cơ nêú không được vận động sẽ bị teo lại, gây ra rối loạn dinh dưỡng, xương chậm liền. Do đó, tập gồng cơ trong bột theo sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp tăng cường máu nuối dưỡng, hạn chế phù nề, loạn dưỡng và teo cơ,  tập vận động các phần chi không bị bất động, giúp lưu thông máu, tránh bị cứng khớp. Đối với chi dưới tập vận động tỳ đè, đi lại với nạng 3 điểm hoặc 4 điểm theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Sau khi tháo bột, tập phục hồi chức năng giúp nhanh chóng phục hồi sức mạnh của cơ, biên độ vận động của khớp.

                                         ThS ĐD. Nguyễn Thị Lệ Ngọc

 Khoa Chấn thương Chi trên và vi phẫu, Viện CTCH

Bệnh viện TWQĐ 108

Admin

Link nội dung: https://tromino.eu/phat-hien-va-phong-tranh-cac-bien-chung-sau-bo-bot-1735293610-a683.html